CHIA SẺ

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

BỆNH TRÊN CÂY BƯỞI DA XANH VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Bưởi Da Xanh là một trong những loại cây ăn trái đang được bà con trồng phổ biến hiện nay. Giống Bưởi này dễ trồng, không tốn quá nhiều công chăm sóc, cho năng suất cao, hơn nữa luôn được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, Quả Bưởi và Hoa Bưởi là hai sản phẩm được sử dụng để tiêu dùng và được nhiều người ưa thích.


Bưởi Da Xanh là loại Cây Ăn Trái được thị trường ưa chuộng

Trong quá trình trồng và chăm sóc Bưởi Da Xanh cũng đã có nhiều bà con lo lắng về tình trạng sâu bệnh trên cây Bưởi. Việc mắc bệnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của Trái Bưởi. Để giúp đỡ bà con tìm hiểu về các bệnh trên cây Bưởi Da Xanh cũng như cách phòng tránh sâu bệnh cho cây. Chúng tôi mời bà con tham khảo bài viết sau của anh Nguyễn Minh Đức giám đốc kinh doanh Công ty Cây Xanh Gia Nguyễn.

Một số bệnh phổ biến trên cây Bưởi Da Xanh và cách phòng tránh đơn giản, hiệu quả:

Bệnh thối gốc, chảy mủ: hay còn gọi là nấm Phytopthora nicotianae. Đây là loại bệnh phổ biến trên cây Bưởi. Khi quan sát ở phần gốc có những vết nhũn nước, nhựa chảy ra. Lúc đầu mũ có màu vàng, sau đó khô cứng lại có màu nâu. Vết bệnh sau cùng khô và nứt, ngay vết bệnh vỏ trong bong ra. Bệnh có thể phát triển nhanh vòng quanh thân hoặc rễ chính làm lá bị vàng, nhất là gân lá, kế đó lá rụng, bệnh nặng lá trên cành rụng gần hết, cành khô chết.

Cách phòng tránh: Bà con không nên ủ cỏ sát gốc vào mùa mưa, cách gốc 20-30cm, phải cào hết đất xung quanh gốc cho thông thoáng…đừng để úng nước. Vết bệnh ở gốc, lấy dao cạo sạch vỏ chỗ bị bệnh, rồi dùng Alpine 80WDG pha 20gram thuốc trong một lít nước hoặc dùng các loại thuốc trên pha đặc rồi quét lên chỗ vừa cạo. Hoặc nếu không cạo thì dùng vôi quét lên gốc cây bị bệnh.


Cách phòng tránh sâu bệnh trên Cây Bưởi Da Xanh

Bệnh Vàng lá thối rễ: (do nấm Fusarium solani tấn công rễ con làm thối rễ). Cây bị bệnh lá vẫn bình thường, nhưng gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngã màu vàng xanh và sau đó rụng đi. Lúc đầu chỉ có một vài nhánh biểu hiện vàng, rụng lá, nhưng sau đó toàn cây sẽ bị rụng lá. Cây bị bệnh cho nhiều chồi ngắn, lá nhỏ, nhiều hoa, trái, trái chua và cuối cùng cây chết hẳn. Đào rễ lên thấy phía cành rụng lá rễ bị thối, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, gỗ bị sọc nâu lan dần vào rễ lớn. Bệnh nặng tất cả rễ bị thối và cây chết.

Cách phòng tránh: Bà con cần trồng Bưởi nơi đất cao, thoát nước tốt, nếu vườn thấp phải làm bờ bao. Nếu phát hiện sớm, cắt bỏ rễ bị thối, bôi thuốc vào vết cắt. Sau đó, bà con bón thêm phân lân, kali hoặc tưới MKP để cây phục hồi nhanh hơn. Đặc biệt, cây mới chớm bệnh tưới thuốc nhóm Benomyl, nhóm Metalaxyl (Ridomil 72 WP) nhóm Carbendazim (Carbenzim 500FL, Derosal 50 SC) và bón phân chuồng hoai mục + tưới Tricô – ĐHCT liều lượng 7-10g/gốc.

Bệnh đốm rong: bệnh do một loài rong có tên là Cephaleuros viresens gây ra. Bệnh thường gây hại trên thân, ít thấy trên trái và lá. Bệnh phát triển mạnh trong thời kỳ mưa dầm, vườn trồng dày, thiếu chăm sóc, vườn cây già. Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh, sau đó lớn dần có hình tròn hoặc bầu dục, trên vết bệnh có lớp tơ mịn như nhung màu xanh rêu, giữa vết bệnh có màu đỏ gạch. Bệnh nặng lan dần lên các nhánh trên, đôi khi lan lên trái nếu vườn phun nhiều phân bón lá cho cây. Nếu bị hại nặng, lá trở nên thô cứng và rụng sớm, cây còi cọc, phát triển kém.

Cách phòng tránh: Bà con nên tuân thủ đúng mật độ khi trồng cây, không trồng dày, nên tỉa cành tạo tán, tạo thông thoáng cho vườn. Không nên phun phân bón lá định kỳ. Phun thuốc khi cây bị bệnh nặng, có thể sử dụng thuốc Mancozeb, Kumulus 80DF, Microthiol special 80WP hoặc Chlorine 0,5%.


Cách trồng và chăm sóc Cây Bưởi Da Xanh

Sâu đục vỏ trái: Sâu chủ yếu gây hại phần vỏ trái, không ăn phần múi của trái. Sâu tấn công khi trái còn rất nhỏ, vết đục tạo nên những u sần trên trái, nếu bị nặng trái sẽ rụng. Nếu sâu tấn công vào giai đoạn trễ hơn, trái vẫn phát triển nhưng sẽ bị biến dạng, vỏ u sần, trái bị giảm giá trị thương phẩm.

Cách phòng tránh: Theo dõi, thu gom những trái bị nhiễm (trên cây hoặc trái rụng xuống đất), đem chôn sâu để diệt sâu còn ở vỏ trái. Có thể sử dụng thuốc chọn lọc để phòng trị khi vừa tượng trái non, phun liên tiếp 2 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Sử dụng chất dẫn dụ phái tính (sex pheromone). Dùng dầu khoáng cũng có tác dụng phòng ngừa tốt.

Trên đây là một số bệnh thường gặp và gây ảnh hưởng xấu đến năng suất cũng như chất lượng của Cây Bưởi Da Xanh. Ngoài ra, cũng còn 1 số bệnh khác như: Bệnh héo xanh trên cây có múi, Bệnh loét (do vi khuẩn Xanthomonas axonopodis pv. citri), sâu đục thân cành, Bệnh ghẻ, Bệnh Tristeza…bà con cần thêm thông tin và tư vấn về cách phòng tránh các loại bệnh cho Bưởi Da Xanh vui lòng liên hệ với Vườn ươm Cây Xanh Gia Nguyễn để được chỉ dẫn sớm nhé.